Trong chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, sáng ngày 11/9, tại Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Sau khi xem xét tờ trình của Chính phủ về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các Phường và thị xã Kinh Môn. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến: Kinh Môn nằm giữa trung tâm tam giác kinh tế Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Theo quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kinh Môn giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng đô thị Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, đô thị Kinh Môn được định hướng là trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế vùng Đông Bắc của tỉnh Hải Dương với vùng Đông Bắc Bộ và vùng Thủ đô. Trên địa bàn huyện hiện có những cơ sở sản xuất quy mô lớn cấp Quốc gia như: Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, nhà máy xi măng Phúc Sơn, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát và có 04 cụm công nghiệp Hiệp Sơn, Phú Thứ, Duy Tân, Long Xuyên. Ngành du lịch cũng có sự tăng trưởng khá theo từng năm với các điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: khu di tích quốc gia đặc biệt Động Kính Chủ, Đền Cao An Phụ, chùa Nhẫm Dương, chùa Hàm Long, động Hàm Long, Tâm Long, Đốc Tít, các hoạt động tham quan làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ…. đã và đang từng bước tạo ra nhiều việc làm và nguồn thu nhập thường xuyên cho người lao động tại địa phương. Trong những năm qua, kinh tế xã hội của đô thị Kinh Môn có sự phất triển vượt bậc so với các địa phương lân cận. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 43.612,60 tỷ đồng, trong đó: công nghiệp xây dựng đạt 38.125 tỷ đồng chiếm 87,42%; thương mại - dịch vụ và du lịch đạt 3.374,80 tỷ đồng chiếm 7,74%; sản xuất nông - lâm nghiệp đạt 2.112,80 tỷ đồng chiếm 4,84%. Do vậy, việc thành lập thị xã Kinh Môn thuộc tỉnh Hải Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số của huyện Kinh Môn là phù hợp với các quy định hiện hành... đáp ứng nguyện vọng và quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương. Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn: huyện Kinh Môn có các xã Phạm Mệnh, Thái Sơn, Phúc Thành, Quang Trung đều chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặc dù, các xã trên không thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 theo quy định (04 xã đều đạt trên 50% cả 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số). Song, huyện Kinh Môn đã chủ động sắp xếp 04 xã này, với phương án: Nhập xã Phạm Mệnh và xã Thái Sơn để thành lập phường Phạm Thái; nhập xã Phúc Thành và xã Quang Trung để thành lập xã Quang Thành. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính đảm bảo sự tương đồng về các yếu tố: truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để phục vụ người dân tốt hơn và được người đồng thuận nhất trí cao. Về việc thành lập các phường thuộc thị xã Kinh Môn, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, huyện Kinh Môn hiện có 25 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 03 thị trấn và 22 xã. Trong số các đơn vị hành chính trực thuộc nêu trên, các thị trấn Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân và các xã: Long Xuyên, Hiệp An, Hiến Thành, Thái Thịnh, An Phụ, Hiệp Sơn, An Sinh, Phạm Mệnh, Thái Sơn, Thất Hùng, Duy Tân và Tân Dân đã có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị ngày càng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh. Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường, thị xã Kinh Môn sẽ có 14 phường nội thị và 9 xã ngoại thị. Đây là việc làm đáng biểu dương, phù hợp với chủ trương của Đảng và các quy định của pháp luật.
Thống nhất về nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương./. Thu Xuân - ĐPT |